Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ngoài nguyên nhân do quá trình thoái hóa tự nhiên diễn ra, thì phần lớn bệnh lý phát sinh là do những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là 10 thói quen có tác động xấu, làm giảm tuổi thọ của xương khớp mà nhiều người hay mắc phải, đặc biệt là dân văn phòng.
Nội dung chính
- 1 1. Ngồi làm việc không đúng tư thế
- 2 2. Thói quen ngồi lâu tại một vị trí
- 3 3. Thói quen ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, leo cầu thang
- 4 4. Thói quen vận động chưa hợp lý
- 5 5. Thói quen mang vác quá nặng
- 6 6. Tâm lý sợ vận động
- 7 7. Tập luyện quá sức, giảm cân đột ngột
- 8 8. Thói quen hút thuốc lá
- 9 9. Thói quen bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức
- 10 10. Đi giày cao gót liên tục
1. Ngồi làm việc không đúng tư thế
Ngồi sai tư thế hoặc ghế ngồi sai tiêu chuẩn thường gây đau cổ vai gáy. Khi thao tác máy tính, tư thế ngồi lệch gây vẹo cột sống, ngồi chúi ra trước, làm cột sống bị đè nén, đẩy mạnh quá trình thoái hóa cột sống cổ, thắt lưng. Thói quen đặt máy tính quá thấp trên bàn làm việc, thói quen cúi hay nghiêng cổ khi sử dụng điện thoại đều có thể gây đau cổ vai gáy, đau thắt lưng. Các khớp cổ bàn tay khi thường xuyên phải thao tác với bàn phím và chuột sẽ khiến cho các dây chằng và cơ phải chịu sức ép lớn khi hoạt động liên tục.
2. Thói quen ngồi lâu tại một vị trí
Các nghiên cứu chứng tỏ những người thường xuyên ngồi làm việc lâu với máy vi tính sẽ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới cột sống nhiều hơn so với những người thường xuyên vận động. Ngồi làm việc quá lâu khiến tuần hoàn máu ở chân sẽ giảm, cơ chi dưới sẽ yếu đi, xương dần mỏng, giòn và dễ gãy hơn.
3. Thói quen ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, leo cầu thang
Khớp gối gồm khớp chè đùi và khớp đùi chày, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Lực tác động lên xương bánh chè có thể tăng gấp 5 lần khi leo cầu thang, và tăng đến 15 lần khi ngồi xổm, so với khi đi trên mặt bằng.
4. Thói quen vận động chưa hợp lý
Các động tác gập, nghiêng, xoay cổ, lưng đột ngột, quá mức đều có thể gây đau vai gáy, đau thắt lưng do chấn thương sụn khớp, rách dây chằng, thoát vi đĩa đệm cột sống. Các thói quen như xoay người sang 2 bên quá đột ngột, cúi người xuống quá thấp để khiêng vật nặng lên… có thể chèn ép đĩa đệm, gây thoát bị đĩa đệm cột sống, gây các cơn đau dữ dội, tê liệt, mất khả năng vận động.
5. Thói quen mang vác quá nặng
Một số người chủ quan, cậy sức, thường hay lôi kéo đuôi xe, vác các bao tải hàng chục cân, khuân vác các đồ nặng… Thói quen này làm các khớp lớn như khớp gối, cột sống cổ, thắt lưng phải chịu lực quá tải, nhanh chóng bị hủy hoại, thoái hóa, đồng thời làm xuất hiện các cơn đau nhức, vận động khó khăn.
6. Tâm lý sợ vận động
Nhiều người, đặc biệt là người thừa cân, béo phì sau một thời gian ít vận động khi vận động lại thấy đau nhức gân cơ, xương khớp và cho là tốn thời gian, nên càng lười vận động.
Những người cao cũng mang tâm lý sợ vận động: khi các khớp xương bị đau do trái gió trở trời người cao tuổi sẽ có tâm lý ngại vận động hoặc sợ vận động vì sẽ làm cơn đau thêm nặng hơn. Chính vì vậy, người cao tuổi có xu hướng nằm một chỗ trong thời gian dài, không tập luyện. Điều này là một sai lầm vì sẽ khiến cơn đau không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng thêm vì sẽ gây tê cứng các khớp xương, khó duỗi, gập như bình thường.
7. Tập luyện quá sức, giảm cân đột ngột
Một số người vô tình hay nóng vội, muốn cải thiện sức khỏe ngay lập tức thường làm các động tác thể dục, chơi thể thao quá mạnh dễ dẫn đến chấn thương, xương bị yếu đi. Kết quả thường là ngược với sự mong đợi của họ.
Giảm béo đột ngột, kém an toàn: làm hạn chế quá trình hấp thụ canxi ở xương, đẩy nhanh quá trình lão hoá.
8. Thói quen hút thuốc lá
Hút thuốc lá điếu, thuốc lào, hay thuốc lá điện tử đều có tác hại lên hệ xương khớp, gây đau nhức vùng cổ, lưng, các khớp do chất nicotin có trong thuốc lá gây co mạch, làm giảm nuôi dưỡng xương khớp, cột sống.
9. Thói quen bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức
Việc bẻ khớp đột ngột và quá nhanh dẫn đến việc phá huỷ cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh khớp. Đây chính là nguyên nhân khiến các khớp ngày càng to lên thậm chí có thể làm bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn, hậu quả là khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng.
10. Đi giày cao gót liên tục
Giày cao gót làm tăng sự uyển chuyển, gợi cảm, tạo ấn tượng và sự tự tin. Tuy nhiên khi mang giày cao gót, các cơ ở cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót lâm vào tình trạng căng giãn quá mức nên rất dễ đau mỏi.
Bằng việc nâng cao gót chân, toàn bộ trọng lượng cơ thể bình thường chịu lực qua xương gót to và dày thì lại chuyển qua trên xương bàn và các ngón chân vốn dĩ mỏng hơn và nhỏ hơn. Nghiên cứu cho thấy độ cao của đế giày cứ tăng mỗi 2,5cm thì áp lực lên bàn chân trước tăng 22-25%. Do đó mang giày cao 7cm, áp lực xương bàn phải chịu là 175% mức bình thường. Việc này rất dễ gây thoái hóa khớp bàn ngón, nhất là ngón cái.
Mũi giày càng nhỏ hẹp sẽ ép các ngón chân lại với nhau gây vẹo ngón cái ra ngoài, lâu ngày gây biến dạng ngón cái và các ngón khác. Ngoài ra, việc ép các ngón chân ở mũi giày gây chèn ép, tổn thương gân, dây chằng, khớp gối, thắt lưng.
PGS. TS. BS Nguyễn Vĩnh Ngọc