Khi có cảm giác đau dọc từ cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Đó là triệu chứng quan trọng nhất trong chẩn đoán xác định bệnh lý đau thần kinh toạ.
Nội dung chính
Định nghĩa
Đau thần kinh toạ được biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh toạ: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận các ngón chân.
Thường gặp đau thần kinh toạ 1 bên, ở lứa tuổi lao động (30-50 tuổi), tỷ lệ nam cao hơn nữ.
Nguyên nhân gây đau thần kinh toạ
Tổn thương rễ thần kinh thường gặp nhất (trên 90%), còn lại tổn thương dây và/hoặc đám rối thần kinh. Nguyên nhân hàng đầu gây chèn ép rễ thần kinh toạ là thoát vị đĩa đệm (thường gặp nhất là đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng); trượt đốt sống; thoái hoá cột sống thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng. Các nhóm nguyên nhân do thoái hoá này có thể kết hợp với nhau.
Các nguyên nhân hiếm gặp hơn: viêm đĩa đệm đốt sống, tổng thương thân đốt sống (thường do lao, vi khuẩn, u), chấn thương, mang thai…
Chẩn đoán bệnh lý đau thần kinh toạ
Triệu chứng
Đau dọc đường đi của dây thần kinh toạ, đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá chân và tận ở các ngón chân. Tuỳ theo vị trí tổn thương mà biểu hiện trên lâm sàng có khác nhau: tổn thương rễ L4 đau đến khoeo chân, tổn thương rễ L5 đau lan tới mu bàn chân tận hết ở các ngón chân cái; tổn thương rễ S1 đau lan tới lòng bàn chân tận hết ở ngón út. Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân.
Đau có thể liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nằm nghỉ ngơi, tăng khi đi lại nhiều. Trường hợp có hội chứng chèn ép: tăng khi ho, rặn, hắt hơi, có thể yếu cơ (khó kiễng chân, khó đứng trên đầu ngón chân). Giai đoạn muộn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động (đi lại khó khăn, khó cúi), có thể có tư thế giảm đau, co cạnh cột sống.
Cần phân biệt với các trường hợp giả đau thần kinh toạ:
- Đau thần kinh đùi, đau thần kinh bì đùi, đau thần kinh bịt
- Đau khớp háng do viêm, hoạt tử thoái hoá, chấn thương
- Viêm khớp vùng chậu, viêm, áp xe cơ thắt lưng chậu.
Khám lâm sàng
- Chụp X quang quy ước cột sống thắt lưng, nhằm khảo tình trạng đĩa đệm cột sống nhằm loại trừ một số nguyên nhân (viêm đĩa đệm đốt sống, tình trạng huỷ đốt sống do ung thư…)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng nhằm xác địng dạng tổn thương, vị trí, mức độ và phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác ( viêm đĩa đệm đốt sống, khối u…)
- Điện cơ: giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.
Điều trị đau thần kinh toạ
Nguyên tắc điều trị bệnh:
- Nguyên tắc điều trị bệnh theo nguyên nhân (thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).
- Giảm đau và phục hồi nhanh
- Điều trị nội khoa với những trường hợp nhẹ và vừa
- Can thiệp ngoại khoa khi có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác
- Điều trị giải ép cột sống kết hợp chuyên khoa ung bướu trong trường hợp đau thần kinh toạ do nguyên nhân ác tính.
Chế độ nghỉ ngơi và tập luyện vật lý trị liệu
Chế độ nghỉ: Người bệnh nên nằm giường cứng, tránh võng hoặc ghế bố, tránh các động tác mạnh, đột ngột, mang vác nặng và đứng ngồi quá lâu.
Vật lý trị liệu:
- Massage liệu pháp: Có ích đối với đau thần kinh toạ bởi làm tăng tuần hoàn máu, giãn cơ và kích thích các endorphin.
- Thể dục trị liệu: Những bài tập kéo giãn hoặc ấn cột sống, aerobic giúp tăng cường sức mạnh cột sống, khối cơ dây chằng và gân.
(Lưu ý: Người bệnh cần được thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị cụ thể)
TLTK: Hội Thấp khớp học Việt Nam, Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp, 2012.