Cứng khớp ngón tay sau khi ngủ dậy có thể là biểu hiện của các bệnh xương khớp, thoái hoá khớp…tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi nhất là sau khi ngủ dậy nhất là vào buổi sáng, nhưng cũng có thể gặp khi ngủ trưa hoặc tỉnh dậy lúc nửa đêm. Tình trạng này có thể kéo dài trong khoảng 15 – 30 phút thì người bệnh mới cử động lại được.
1. Vì sao tê cứng ngón tay sau khi ngủ dậy?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tê cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy, đó có thể là do một số bệnh lý xương khớp hoặc thiếu hụt khoáng chất quan trọng như canxi:
- Viêm đa khớp dạng thấp: Thường gặp ở người từ 30 – 60 tuổi, được xem là nguyên nhân hàng đầu ra biểu hiện đau nhức, sưng nóng, đỏ các khớp vào buổi sáng khi thức dậy. Nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến biến dạng khớp, ngón tay bị sưng phồng, cong quặp, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.
- Thoái hóa khớp: Sau viêm khớp dạng thấp thì thoái hóa khớp cũng là nguyên nhân phổ biến gây tê cứng khớp ngón tay. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nữ giới và thừa cân, béo phì, khi các khớp dần thoái hóa. Khi các mô dịch khớp, sụn khớp bị thoái hóa sẽ hình thành những chồi xương làm chèn ép dây thần kinh và gây ra các cơn đau cứng ở khớp ngón tay.
- Bệnh Lupus ban đỏ: Bệnh ảnh hưởng đến các khớp, làm tê cứng, viêm sưng khớp ngón tay. Nguy hiểm nhất là tình trạng co thắt mạch máu do Lupus gây ra làm ngón tay, chân bị tím.
- Hội chứng ống cổ tay: thường gặp ở người làm công việc văn phòng, sử dụng nhiều và thường xuyên bàn tay, ngón tay sẽ khiến các khớp ở tay bị đau.
- Bệnh Gout: Gây sưng cứng khớp ngón tay, bàn tay nhưng chủ yếu thường gặp ở ngón chân, bàn chân, đầu gối.
- Hội chứng De Quervain: Hội chứng này xuất hiện ở các bao gân cơ có dạng dài, làm ảnh hưởng và chi phối gân ngón tay, dẫn đến đau cứng khớp ngón tay.
- Ung thư xương: Bệnh ung thư xương mặc dù rất hiếm gặp nhưng nếu mắc phải sẽ gây ra những cơn đau, sưng và cứng khớp nghiêm trọng.
- Thiếu hụt canxi: Cơ thể bị thiếu hụt canxi hoặc giảm hấp thụ canxi có thể ảnh hưởng đến xương khớp, gây đau nhức xương khớp tay, chân và toàn cơ thể.
2. Giảm tê cứng ngón tay sau khi ngủ dậy
- Hạn chế gây áp lực lên ngón tay: Thường xuyên sử dụng tay để cầm nắm, mang, xách vật nặng, cũng như bẻ ngón tay sẽ tạo áp lực lên các khớp ngón tay. Vì vậy, hạn chế những việc này sẽ làm giảm ảnh hưởng đến khớp.
- Bài tập cho tay: Một số bài tập vật lý trị liệu được thực hiện có thể giúp khắc phục chứng tê cứng khớp ngón tay. Tác dụng của những bài tập này là giúp lưu thông máu đến nuôi dưỡng khớp, từ đó giúp giảm viêm, sưng.
- Dinh dưỡng cho sụn khớp:
Có thể sử dụng thuốc để tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn thay vì dùng thuốc giảm đau mỗi khi bị đau cứng khớp ngón tay. Tái tạo sụn khớp với các thành phần như: Chondroitin, Glucosamine... là phương pháp có tác dụng trong thời gian dài khi xương khớp lấy lại sụn và khỏe mạnh hơn.
Một chế độ ăn ít mỡ, ít đường giàu đạm và tăng cường vitamin và khoáng chất sẽ giúp cải thiện việc điều trị bệnh xương khớp nói chung và tê cứng khớp ngón tay nói riêng.