Thoái hóa khớp gối là căn bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các bệnh lý xương khớp, gây đau đớn kéo dài, giảm và mất khả năng vận động, có thể gây tàn phế cao nhất hiện nay. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm sự phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn, giúp duy trì cuộc sống bình thường.
Nội dung chính
- 1 1. Thoái hoá khớp gối là gì?
- 2 2. Triệu chứng cho thấy khớp gối bị thoái hoá
- 3 Giai đoạn 1
- 4 Giai đoạn 2
- 5 Giai đoạn 3
- 6 Giai đoạn 4
- 7 3. Nguyên nhân dẫn đến thoái hoá khớp gối
- 8 4. Các biến chứng của thoái hoá khớp gối
- 9 5. Điều trị và phòng tránh thoái hoá khớp gối
- 10 Điều trị thoái hoá khớp gối
- 11 Phòng tránh bệnh thoái hoá khớp
1. Thoái hoá khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối (còn gọi là thoái hóa sụn khớp gối) là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn) bị mài mòn. Khi tình trạng này xảy ra, xương của các khớp cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn đến trạng thái đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và đôi khi hình thành các gai xương ở vùng đầu gối.
Thực chất, thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp để bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian.
Hiện nay, thoái hóa khớp gối đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi do lối sống thụ động, ít vận động cùng chế độ dinh dưỡng không khoa học. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây tàn phế suốt đời khi không thể đi lại được.
2. Triệu chứng cho thấy khớp gối bị thoái hoá
Y khoa chia thoái hóa khớp gối thành 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn đặc trưng bằng các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau:
Giai đoạn 1
Sụn khớp gối bị thoái hóa giai đoạn 1 thường không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau hoặc khó chịu do sự mài mòn xảy ra giữa các thành phần của khớp là không đáng kể.
Giai đoạn 2
Đây được coi là giai đoạn nhẹ của bệnh. Lúc này, chụp X-quang khớp gối sẽ thấy không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp, và các xương không bị cọ xát với nhau. Đồng thời, chất lỏng hoạt dịch được duy trì đủ để khớp vận động bình thường.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng đầu tiên: đau sau một ngày dài đi bộ hoặc chạy, cứng khớp nhiều hơn khi không cử động trong vài giờ hoặc đau khi quỳ/cúi.
Giai đoạn 3
Giai đoạn 3 của thoái hóa khớp được phân loại là “thoái hóa khớp mức độ trung bình”. Trong giai đoạn này, sụn giữa các xương có dấu hiệu tổn thương rõ ràng, và không gian giữa các xương bắt đầu thu hẹp lại. Những người bị thoái hóa sụn khớp gối giai đoạn 3 có khả năng bị đau thường xuyên khi đi bộ, chạy, cúi, quỳ. Họ cũng có thể bị cứng khớp sau khi ngồi trong thời gian dài hoặc thức dậy vào buổi sáng. Trong khi đó, hiện tượng sưng khớp sẽ xuất hiện nếu người bệnh cử động liên tục trong thời gian dài.
Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 thoái hóa khớp được coi là “nghiêm trọng”. Khi bệnh đã tiến triển đến thời kỳ này, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau và khó chịu mỗi khi đi bộ hoặc cử động khớp. Đó là do không gian giữa các xương bị giảm đáng kể – sụn hầu như không còn nguyên vẹn, khiến khớp bị cứng và đôi lúc trở nên bất động. Lượng chất lỏng hoạt dịch cũng ít đi và không còn đảm nhận được nhiệm vụ giảm ma sát giữa các bộ phận chuyển động của khớp.
3. Nguyên nhân dẫn đến thoái hoá khớp gối
Thoái hoá khớp gối khiến những cơn đau thêm trầm trọng, ngứa ran hoặc tê yếu
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối:
- Do tuổi tác: Khi tuổi càng cao, quá trình tổng hợp của sụn càng bị suy giảm. Sau độ tuổi trưởng thành tế bào sụn cũng không có khả năng sinh sản và tự tái tạo.
- Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp hơn nam giới. Nguyên nhân do dây chằng trước của khớp gối yếu hơn, và thói quen đi giày cao gót gây áp lực trực tiếp lên sụn tạo cơ hội thoái hóa tiến triển nhanh.
- Thừa cân hoặc béo phì: Việc thừa cân sẽ tạo áp lực lên hai khớp gối, sụn khớp nhanh hao mòn và hỏng dần theo thời gian. Theo nghiên cứu, phụ nữ thừa cân béo phì trên tuổi 40 có khả năng bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người bình thường. Với những người béo phì, chỉ cần giảm 5kg sẽ giảm nguy cơ viêm khớp và thoái hóa khớp đến một nửa.
- Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn: Những rủi ro làm gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi, giãn hoặc đứt dây chằng…đều khiến sụn bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến lệch trục khớp, gây thoái hóa từ từ.
- Di truyền: Một số người bị thoái hóa khớp là do yếu tố di truyền.
- Vận động quá sức: Lao động nặng hoặc chơi thể thao, tập luyện ở cường độ cao cũng dẫn đến thoái hóa khớp nhanh.
- Không thường xuyên hoạt động thể dục: Lười tập thể dục có thể khiến các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch. Nếu thường xuyên tập luyện tăng sức mạnh cơ có thể giảm đến 30% nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học: Việc ăn uống thiếu chất khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.
- Một số bệnh cơ xương khớp khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp – loại viêm khớp phổ biến thứ hai – có nhiều khả năng cũng bị thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, các bệnh nhân bị một số rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng, cũng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp.
4. Các biến chứng của thoái hoá khớp gối
Tình trạng khớp bị thoái hóa sẽ nặng dần theo thời gian, dẫn đến đau khớp mạn tính cùng một loạt biến chứng như:
- Tăng nguy cơ chấn thương đầu gối: Những bệnh nhân lớn tuổi bị thoái hóa khớp thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Hơn nữa, cơn đau dữ dội, khả năng vận động và giữ thăng bằng bị suy giảm có thể làm tăng nguy cơ tai nạn và thương tích. Thống kê cho thấy những người bị thoái hóa khớp có nguy cơ té ngã cao hơn 30%. Hơn nữa, họ có khả năng bị gãy xương cao hơn 20%.
- Mất xương: Trong trường hợp thoái hóa khớp nặng, sụn mất dần và nhanh chóng sẽ dẫn đến mất xương. Chết tế bào xương là một biến chứng nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ các phần xương bị ảnh hưởng.
- Kéo theo một số bệnh lý khác: Tăng cân, ít tập thể dục dẫn đến tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ
- Hình thành u nang sau đầu gối: Những u nang này, thường được gọi là u nang Baker, gây áp lực lên các mạch máu và làm suy giảm lưu lượng máu bình thường, dẫn đến sưng và đau ở chân.
- Tăng nguy cơ bị gout: Bệnh nhân thoái hóa khớp có nồng độ axit uric trong máu cao sẽ dễ bị bệnh gout – một dạng khác của viêm khớp.
5. Điều trị và phòng tránh thoái hoá khớp gối
Điều trị thoái hoá khớp gối
Mục tiêu chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau và phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Quá trình điều trị là sự kết hợp của những liệu pháp sau:
- Giảm cân: Giúp giảm trọng lực cho khớp gối.
- Tập thể dục đều đặn: Việc thường xuyên tập thể dục có thể hỗ trợ tăng cường độ linh hoạt cho các cơ xung quanh đầu gối, đồng thời giúp khớp ổn định hơn và giảm đau.
- Bổ sung Acid hyaluronic, Chondroitin: Giúp bôi trơn, tái tạo sụn khớp.
- Vật lý trị liệu: Nếu tình trạng thoái hóa khớp khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt, các bài tập vật lý trị liệu sẽ rất hữu ích. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách tăng cường cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho khớp. Ngoài ra, họ cũng chỉ bạn cách thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như làm việc nhà, sao cho ít gây đau khớp nhất.
- Biện pháp y khoa: Khi mọi phương pháp điều trị trên đều không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bạn phẫu thuật.
Phòng tránh bệnh thoái hoá khớp
Nếu không chăm sóc khớp đúng cách, chính chúng ta có thể vô tình là thủ phạm đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp gối. Cần phòng ngừa bệnh từ sớm với các biện pháp đơn giản:
- Tập thể dục đều đặn và đúng cách, tập luyện các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp, tránh những động tác quá mạnh, đột ngột.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi và khoáng chất, tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
- Kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân, béo phì.
- Giới văn phòng sau 1 – 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút để tránh cơ và khớp bị mỏi.
- Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, việc massage giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp khớp khoẻ mạnh