Hiện nay, thành phần Glucosamine là một trong những sản phẩm được bày bán rộng rãi trên thị trường, người có dấu hiệu đau khớp dễ dàng tự mua, thậm chí tự kê liều thay vì tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nội dung chính
Glucosamine là gì?
Glucosamine (GlcN), một loại đường amin, là một hợp chất có nguồn gốc từ việc thay thế nhóm hydroxyl của phân tử glucose bằng nhóm amino. GlcN và dẫn xuất acetyl hóa của nó, N-acetylglucosamine (GlcNAc). Glucosamine được cơ thể sản xuất tự nhiên và được tìm thấy hầu hết các mô của cơ thể, đặc biệt nhiều hơn ở các mô liên kết và mô sụn.
Thành phần này được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm và hiện được sản xuất bằng cách thủy phân axit chitin (một loại polymer tuyến tính của GlcNAc) chiết xuất từ vỏ cua và tôm. Quá trình lên men vi sinh vật bằng nấm sợi hoặc Escherichia coli tái tổ hợp, như một phương pháp thay thế để sản xuất GlcN và GlcNAc, đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng vì đây là một quá trình thân thiện với môi trường.Glucosamine Sulfate, Glucosamine Hydrochloride và N-acetyl Glucosamine là các dạng của Glucosamine. Trong số ba dạng Glucosamine phổ biến hiện nay, chỉ có Glucosamine Sulfate “có khả năng hiệu quả” để điều trị viêm xương khớp.
Vai trò và tác dụng của Glucosamine trong khớp
Glucosamine là tiền chất của nhiều thành phần cấu tạo sụn, góp phần thúc đẩy Hyalruonic hoạt dịch – thành phần quan trọng của dịch khớp, về mặt cơ học, Glucosamine còn có tác dụng chống viêm và bảo vệ sụn.
Đối với viêm xương khớp, Glucosamine có thể có tác dụng giảm đau và tác dụng điều trị. Trong viêm khớp dạng thấp: Nghiên cứu ban đầu cho thấy việc sử dụng Glucosamine Hydrochloride có thể làm giảm cơn đau viêm khớp dạng thấp khi so sánh với giả dược. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã không thấy sự cải thiện trong tình trạng viêm, khớp bị đau hoặc sưng. Trong một số nghiên cứu, khi Glucosamine kết hợp với các thành phần khác mang lại tác dụng hiệu quả hơn trong điều trị bệnh lý viêm khớp.
“Glucosamine/Chondroitin thử nghiệm can thiệp viêm khớp (GAIT), một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, giả dược có đối chứng, thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm của 1583 bệnh nhân có triệu chứng viêm khớp của gối đã báo cáo rằng, một mình và kết hợp với chondroitin sulfate (400 mg x 3 lần/ngày) Glucosamine Hydrochloride (500mg x 3 lần/ngày) không giảm đau hiệu quả ở tất cả các nhóm bệnh nhân. Tuy nhiên, một phân tích thăm khám tìm thấy giảm đau bằng liệu pháp kết hợp trong một nhóm các bệnh nhân đau đầu gối từ vừa đến nặng. Nhìn chung, mặc dù các nghiên cứu đã báo cáo rằng sự kết hợp giữa Glucosamine và Chondroitin mang lại hiệu quả tối ưu nhất, nhưng Hiệp hội Thấp khớp/Viêm khớp Hoa Kỳ năm 2019 khuyến nghị không nên dùng Glucosamine để điều trị bất kỳ dạng thoái hóa khớp nào, chủ yếu là do lo ngại về sự thiên vị do tài trợ của ngành và xuất bản. Tuy nhiên, Hiệp hội Châu Âu về Khía cạnh Kinh tế và Lâm sàng của Bệnh loãng xương, thoái hóa khớp và các bệnh về cơ xương (ESCEO) khuyến nghị dùng Glucosamine theo đơn ở cấp độ dược phẩm cho thoái hóa khớp, bên cạnh đó Hiệp hội này cũng khuyến nghị không nên phối hợp Glucosamine với Chondroitin và tuyên bố rằng Chondroitin có thể cản trở sự hấp thụ của Glucosamine.” [Theo Laura Shane – McWhoter, PharmD, University of Utah College of Pharmacy]
Mặc dù có kết quả trái ngược nhau trong các nghiên cứu, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào khuyến nghị chống lại việc sử dụng thành phần này.
Có nên bổ sung Glucosamine trong điều trị viêm khớp đối với người đái tháo đường?
Glucosamine là một loại đường tự nhiên trong cơ thể nên sẽ có thắc mắc: liệu bổ sung Glucosamine có ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát nồng độ đường huyết?
Theo hai báo cáo tổng quan, mặc dù có những thay đổi về chuyển hóa đường đã được ghi nhận ở động vật được sử dụng Glucosamine đường tĩnh mạch liều cao, các tác dụng tương tự chưa được ghi nhận thống nhất trên người sau khi sử dụng thuốc đường uống. Các nghiên cứu ngắn hạn, quy mô nhỏ hơn, trên bệnh nhân không mắc đái tháo đường cũng cho thấy Glucosamine không ảnh hưởng đến khả năng dung nạp glucose hoặc kháng insulin, tuy nhiên người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn khi sử dụng để có hiệu quả tốt nhất.
Tác dụng phụ của Glucosamine
Glucosamine nếu dùng quá nhiều có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp tạm thời. Theo cơ sở dữ liệu về thông tin thuốc Micromedex, Glucosamine có thể gây ra các phản ứng bất lợi trên hệ tim mạch (phù ngoại vi, loạn nhịp nhanh).
Có một số báo cáo về độc tính trên gan có thể liên quan đến Glucosamine (đơn độc hoặc kết hợp với Chondrointin). Tăng enzym gan xảy ra ở tất cả các trường hợp. Trong đó, một số bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng, và nồng độ enzym gan trở về bình thường sau khi ngừng Glucosamin. Vì vậy bệnh nhân bị gan mãn tính cần theo chỉ định của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng thành phần này.
Ngoài ra một số nghiên cứu cho thấy rằng những người bị dị ứng với động vật có vỏ cũng cần cẩn trọng khi sử dụng Glucosamine.
Ủy ban Tư vấn về Phản ứng có hại của thuốc Úc (Australian Adverse Drug Reactions Advisory Committee) đã ghi nhận 51 báo cáo về phản ứng dị ứng trên da với glucosamin, bao gồm phù mạch, và lưu ý rằng một số bệnh nhân dung nạp được với chế phẩm Glucosamine khác mà không gặp tác dụng bất lợi nào.
Người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định liều lượng cụ thể, phù hợp với thể trạng và độ tuổi của từng người để có hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.